Loài cua xanh Scylla paramamosain được coi là loài có hiệu quả kinh tế và được nuôi ở nhiều nơi. So với cua tự nhiên, cua nhân tạo có nhiều ưu điểm vượt trội hơn như kích cỡ đồng đều, không bệnh tật, kháng bệnh mạnh, mau lớn. Đây là loài có kích thước lớn và giá thành cao, được coi là nguồn thay thế tốt cho các ao nuôi tôm bị bệnh. Cùng theo dõi bài viết dưới đây của chúng tôi để biết được cách nuôi cua xanh thương phẩm sao cho đạt năng suất cao và mang lại hiệu quả kinh tế tốt nhất cho bà con nông dân.
Mục Lục
Ao nuôi
Diện tích ao từ 2.000-10.000m2, độ mặn thích hợp từ 10-25‰. Chuẩn bị ao: Làm đăng chắn quanh bờ bằng lưới mùng loại thưa, đăng tre… nghiêng về phía trong ao một góc 600; đăng cao từ 0,8-1m và được chôn sâu 20-30cm. Phía trong ao, cách bờ 2 – 3m; đào kênh rộng 3 – 4m bao quanh ao. Ở giữa ao đắp một cồn nổi cao hơn mặt nước ao 0,2-0,3m. Trong kênh nên bỏ thêm chà cho cua ẩn nấp. Hoặc cắm chà đều khắp ao, nhiều hơn ở khu vực gần bờ. Có 2 cống: cống cấp và cống thoát, cống thoát đặt sát đáy thông với kênh. Cải tạo tương tự phần ương cua.
Chọn và thả giống
Thả cua cùng cỡ, màu sắc tươi sáng tự nhiên, khỏe mạnh; đầy đủ que càng, tốt nhất nên thả giống đã qua ương, có kích cỡ 2 – 2,5cm, mật độ 1 con/m2. Tốt nhất thả giống nhân tạo đồng cỡ và cùng lúc. Đối với hình thức nuôi tổng hợp (tôm – cua – cá), có thể thả mật độ cua 0,2 con/m2; tôm sú < 10 con/m2, cá < 0,1 con/m2.
Thả giống: Thả ở nhiều điểm khác nhau trong ao; thả cua trên mép bờ để cua tự bò xuống nước. Những con yếu thường nằm tại chỗ hoặc bò chậm; ta thu lại cho vào giai để theo dõi và thả sau.
Quản lý, chăm sóc cua xanh hiệu quả
– Thức ăn chủ yếu là cá tạp hấp chín. Mỗi ngày cho cua ăn 4 lần vào 8 giờ; 11 giờ, 17 giờ, 22 giờ khoảng 4-6% trọng lượng cua, cho ăn nhiều vào buổi chiều tối.
– Thức ăn được rải đều quanh ao để cua khỏi tranh nhau, dùng sàng ăn để kiểm tra sức ăn của cua.
– Định kỳ bắt cua cân đo, xem sinh trưởng của cua, xem xét tình trạng của cua để có biện pháp xử lý kịp thời hoặc điều chỉnh lượng thức ăn cho vừa đủ.
– Mỗi ngày thay từ 20-30% lượng nước trong ao. Một tuần thay toàn bộ nước trong ao một lần.
– Thường xuyên kiểm tra bờ, cống, rào chắn tránh thất thoát cua.
– Thời gian cuối của vụ nuôi, trọng lượng cua tăng, cho ăn thức ăn nhiều nên môi trường rất dễ bị nhiễm bẩn. Thường xuyên thay nước, kiểm tra môi trường để điều chỉnh cho phù hợp cho sự phát triển của cua. Trong trường hợp đáy ao tích tụ nhiều thức ăn thừa, thối rữa, có thể phải tháo cạn, gạn cua và làm vệ sinh đáy ao.
– Không cho cua ăn thức ăn tươi sống vì dễ đưa mầm bệnh vào ao nuôi.
Thời gian thu hoạch cua xanh
Cua thương phẩm phải đạt 250g/con trở lên, cua chắc thịt hoặc đã đầy gạch (cua cái). Những con chưa đạt kích thước, trọng lượng, cua ốp hoặc chưa đầy gạch nếu còn khoẻ mạnh thì có thể đem nuôi ở các ao nhỏ, nuôi vỗ tích cực sau một thời gian để đạt tiêu chuẩn rồi thu hoạch.
Phòng trị bệnh
Với phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh nên cần nuôi cua đúng thời vụ, ổn định độ mặn của nước suốt thời gian nuôi, cho ăn thức ăn đủ số lượng và chất lượng tránh thừa hoặc thiếu. Nên cho ăn thức ăn công nghiệp hoặc nấu chín để hạn chế ô nhiễm nước.
Trong quá trình nuôi, cua thường mắc các bệnh như rụng chân (rủ còng), hoại tử, đen mang, teo cơ và thủng vỏ. Các bệnh này do virus, vi khuẩn, sinh vật bám và kí sinh trùng gây ra. Nguyên nhân, nền đáy nhiều mùn bã hữu cơ, nước ao đầm nuôi nhiều chất lơ lửng nên các loài virus vi khuẩn và kí sinh trùng phát triển mạnh, tấn công và gây bệnh cho cua, nhất là vào thời điểm sau khi lột xác.