Ở miền Bắc nước ta, mùa đông lạnh giá kèm theo mưa phùn, nhiệt độ nước xuống rất thấp. Trong khi đó, đối tượng nuôi chủ yếu là động vật biến nhiệt, thân nhiệt thay đổi theo nhiệt độ môi trường. Do đó, ảnh hưởng trực tiếp đến động vật thủy sản, nhất là cá rô phi đơn tính, cá vược, cá chim, ếch nhái và các loài kém chịu rét. Bà con cần thực hiện một số biện pháp chống rét hiệu quả cho cá để giúp cho cá chống chọi lại với nhiệt độ nước xuống thấp, phòng tránh một số bệnh không đáng có cho cá.
Mục Lục
Chọn và chuẩn bị ao nuôi
– Ao chống rét cho cá tôm những tháng mùa đông cần chọn ao kín gió; có diện tích từ 1 –2 sào, nằm ngang với hướng gió bắc, đất pha cát ao sâu từ 1,3 – 1,4m đáy ít bùn. Có nguồn nước sông ngòi sạch, cấp và thoát nước dễ dàng.
Tháng 10, tháng 11 hàng năm tát hết nước, bắt hết cá tạp: Cá rô, cá quả, dọn sạch cây cỏ ven bờ; bốc bùn lấp hết hang hốc, dùng 50 – 60kg vôi bột/sào, rắc khắp ao để phơi nắng 1 –2 ngày; diệt hết côn trùng gây bệnh cho cá, bón lót 150–200kg phân/sào ao. Tháo nước vào sâu 1,2 – 1,3m để sau 7 – 10 ngày thả cá giống vào nuôi.
Thả giống và nuôi chống rét
– Cá tôm phải chống rét là các giống cá rô phi đơn tính, cá chim trắng; tôm càng xanh là những giống mới nhập về nuôi ở Việt Nam. Khả năng chịu rét còn kém khi nhiệt độ xuống 8 – 120C kéo dài, cá không chịu nổi sẽ chết.
– Các loại cá, tôm trên một số nhập về chậm nuôi ương còn nhỏ; một số cho đẻ vụ thu cá mới ương, một số loài cá nuôi thịt chưa đạt yêu cầu xuất khẩu đều được chọn đưa vào ao nuôi chống rét.
– Cá đưa vào ao nuôi phải được tuyển chọn những con khỏe mạnh; đều con không xây sát, bệnh tật để tránh cá mắc bệnh trước khi thả, cá được tắm nước muối 3 phần nghìn trong 2 – 3 phút.
– Đối tượng nuôi: Chủ yếu là cá rô phi đơn tính, cá chim trắng. Mật độ thả với cỡ cá 300 – 400 con/kg; thì thả 5.000 – 10.000 con/sào bắc bộ. Thời gian thả vào cuối tháng 10, đầu tháng 11. Thả chủ yếu là cá rô phi đơn tính 70%, còn 30% cá chim trắng. Nếu cá to thì mật độ thả thưa hơn.
Quản lý sức khoẻ các đối tượng nuôi
Khi nhiệt độ môi trường ấm trở lại thì người nuôi cần thực hiện một số biện pháp sau:
– Định kỳ 15 ngày/ lần dùng vôi tỏa hoà nước té xuống ao, liều lượng dùng là 1 – 2kg/100m2;
– Thả thêm một số đối tượng sống đáy, có khả năng chịu rét như cá chép để khuấy động đáy ao, tránh hiện tượng cá nằm đáy ao bị chết.
– Khi thấy nước ao bị ô nhiễm, nên sử dụng các loại chế phẩm sinh học làm sạch nước cho ao nuôi như TA – Gold, Zeofish…
– Trong suốt thời gian rét đậm, rét hại, lưu giữ cá qua đông; tuyệt đối không được dùng lưới, các loại phương tiện đánh bắt cá, tránh cá bị xây xát dẫn đến bị nhiễm bệnh và chết.
– Dọn sạch cỏ, rác trong ao và thức ăn thừa ở nơi cho cá ăn.
Chống rét và chăm sóc cá
– Để chống rét cho cá có thể áp dụng 2 phương pháp:
+ Che ao bằng nilon, cá đưa vào ao chống rét vẫn chăm sóc; cho ăn bình thường bằng cám Con cò theo định kỳ vào sáng và chiều theo quy trình nuôi cho cá béo khỏe tăng khả năng chống rét. Sang tháng 12, tháng 1 trời rét đậm dùng tre làm giàn trên mặt ao che phủ nilon kín để tăng khả năng giữ nhiệt độ cho ao. Dưới ao bơm nước sâu từ 1,4 – 1,5m. Mặt ao thả bèo tây 2/3 sao về phía bắc chắn gió bắc.
+ Làm sọt cho cá tránh rét. Các ao chống rét cho cá tạo một góc ao về phía bắc sâu; dùng các sọt đan bằng tre lấy rơm rạ dùng nước vôi phun vào sát trùng; phơi thật khô ấn đầy vào sọt cắm cọc dìm xuống đáy ao, lúc trời rét cá chui vào tránh rét trên mặt ao thả 2/3 bèo tây về phía bắc; thường xuyên bơm nước giữ cao 1,4–1,5m.
Cá nuôi những ngày ấm hoặc buổi trưa trời nắng cần cho cá ăn; lượng cho ăn phải tùy thuộc vào sức ăn mà tăng hoặc giảm để cá khỏe mạnh, có khả năng chống rét.
Thu hoạch cá đưa ra nuôi thành cá thịt
Để tranh thủ thời gian nuôi sớm thời vụ, mùa xuân có nhiều thức ăn; cá lớn nhanh đạt tiêu chuẩn xuất khẩu trước vụ rét năm sau. Vào cuối tháng 2 chuẩn bị sang mùa ấm cần thu hoạch cá tôm giống này bằng cách kéo lưới hoặc tát cạn thu hoạch cá tôm giống này đưa ra ao hồ đã chuẩn bị nuôi thành cá thịt.
Chúc bà con thành công!