Cá rô đồng là loài cá rất quen thuộc với người dân nông thôn, nó không chỉ chứa các chất dinh dưỡng có lợi cho cơ thể con người mà còn là thực phẩm không thể thiếu trong những bữa cơm của gia đình Việt. Nhưng việc nuôi cá rô đồng cũng gặp không ít khó khăn và bệnh nấm nhớt cũng là một trong số những vấn đề thường gặp nhất. Vào cuối mùa sinh sản, căn bệnh này lại phát triển mạnh mẽ cá rô đồng và gây ra những ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng cho giá trị thương phẩm cũng như lợi ích kinh tế. Trong bài viết sau đây, luichis.com sẽ nói rõ hơn căn bệnh này cũng như cách phòng ngừa bệnh sao cho hiệu quả nhất, cùng tìm hiểu nhé!
Mục Lục
Giới thiệu sơ lược về cá rô đồng
Cá rô đồng (hay đơn giản là cá rô) (Anabas testudineus) là một loài cá thuộc họ Cá rô đồng. Nó thường sống ở môi trường nước ngọt và nước lợ. Chúng có thịt béo, thơm, dai, ngon, có giá trị thương phẩm cao tuy rằng hơi nhiều xương. Kích thước cực đại của chúng có thể tới 250 mm.
Cá rô có màu xanh từ xám đến nhạt, phần bụng có màu sáng hơn phần lưng. Nó có một chấm màu thẫm ở đuôi và chấm khác ở sau mang. Các gờ của vảy và vây có màu sáng. Nắp mang cá có hình răng cưa. Chúng có một cơ quan hô hấp đặc biệt dưới mang là mang phụ, cho phép chúng có thể hấp thụ được oxy trong không khí. Chúng có răng chắc, sắc, xếp thành dãy trên hai hàm, trên hai hàm còn có răng nhỏ nhọn.
Cá rô thường sinh sống được ở các loại hình mặt nước: ruộng lúa, ao, mương, rãnh, hào, đầm,… Trên thế giới, cá rô phân bố trong khoảng vĩ độ 28 độ Bắc – 10 độ Nam, chủ yếu ở miền nam Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Miến Điện, Ấn Độ, Philippines, châu Phi và các quần đảo giữa Ấn Độ và châu Úc là những khu vực có nhiệt độ trung bình thích hợp cho sự sinh trưởng (22 – 30 độ C).
Nguyên nhân gây ra bệnh nấm nhớt ở cá rô đồng
Bệnh xuất hiện nhiều ở giai đoạn cá thịt, khi cá được 75 ngày đến cuối vụ. Nguyên nhân chính do ba nhóm vi nấm là Fusarium, Acremonium và Geochitrum gây nên. Đây là những vi nấm thuộc bậc cao, có vách ngăn ngang và sinh sản vô tính bằng bào tử.
Kết quả nghiên cứu trên nhiều mẫu bệnh phẩm đã phân lập được 3 nhóm vi nấm kí sinh trên cá rô đồng bị “nấm nhớt” nuôi thâm canh trong ao đất là Fusarium, Acremonium và Geochitrum. Đây là vi nấm thuộc lớp nấm bất toàn (bậc cao). Vì sợi nấm có vách ngăn ngang và sinh sản vô tính bằng bào tử. Ngược lại, những mẫu cá không có dấu hiệu bệnh thì không phân lập được vi nấm.
Nhìn chung, bệnh do vi nấm trên cá thường xẩy ra khi nhiệt độ nước trong ao nuôi thấp hoặc thời tiết thay đổi (giao mùa hoặc trở lạnh). Đặc biệt bệnh thường bộc phát khi chất lượng nước trong ao nuôi giảm hay nhiễm bẩn, mật độ cá nuôi quá dày, cách chăm sóc và quản lý thức ăn hoặc chất lượng thức ăn chưa tốt.
Các triệu chứng của bệnh
Cá rô đồng nuôi thâm canh trong ao đất bị bệnh “nấm nhớt” thường có dấu hiệu bệnh lý là lớp nhớt trắng đục rất nhầy tập trung trên thân, vảy xù xì, đôi khi có nhiều đốm đỏ xuất hiện trên thân cá. Cá rô đồng bị bệnh nặng thì lớp nhớt phủ toàn thân làm ảnh hưởng lớn giá trị thương phẩm. Qua quan sát tiêu bản tươi phần cơ bên dưới vùng có dấu hiệu bệnh lý. Bạn sẽ dễ dàng nhận thấy có sự hiện diện của bào tử nấm.
Cách phòng bệnh nấm nhớt cho cá rô đồng
Phòng bệnh là giải pháp tối ưu cho việc thâm canh trong nuôi trồng thủy sản. Muốn phòng bệnh hiệu quả người nuôi cá rô đồng phải hiểu rõ những yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến bệnh bộc phát từ đó làm căn cứ cho việc phòng bệnh hiệu quả hơn. Một số giải pháp cần thực hiện cho việc phòng bệnh nuôi thâm canh cá rô đồng:
- Chuẩn bị ao nuôi kỹ, sên vét bùn, xử lý đáy ao bằng vôi 10 kg/100 m2.
- Mật độ thả nuôi không quá dày, trung bình 40 con/m2.
- Định kỳ tạt nước vôi xuống ao với liều lượng 3 kg/100 m3 khi môi trường ao nuôi ngày càng xấu dần ở những tháng cuối vụ nuôi.
- Định kỳ bón Zeolite làm sạch đáy ao liều lượng theo hướng dẫn trên bao bì.
- Định kỳ diệt mầm bệnh bằng thuốc tím với liều lượng 2 g/m3 hòa tan, tạt đều ao.
- Định kỳ diệt mầm bệnh bằng phức hợp Iodine theo hướng dẫn nhà sản xuất được ghi trên nhãn thuốc. Hãy tạt đều ao.
Điều trị bệnh nấm nhớt cho cá rô đồng
Giải pháp trị bệnh trong nuôi cá nói chung là phải có sự kết hợp giữa xử lý môi trường ao nuôi, tăng sức đề kháng và tiêu diệt mầm bệnh. Sau đây là một số loại hóa chất có khả năng diệt mầm bệnh vi nấm được khuyến cáo sử dụng:
- Thuốc tím với liều lượng 10 g/m3 tắm cho cá trong thời gian 30 – 60 phút.
- Formol với liều lượng 20 ml/m3 tắm trong thời gian 30 – 60 phút và trị liên tục 3 – 5 ngày. Lưu ý là không được trị quá liều hoặc không thực hiện điều trị lúc trời quá nóng.
- Phèn xanh (CuSO4.5H2O) nồng độ 0,2 – 0,5 g/m3 hòa tàn tạt đều ao. Đồng thời kết hợp rải muối hột trực tiếp xuống ao với liều lượng 5 kg/100 m2. Lưu ý để sử dụng phèn xanh hiệu quả cần phải đo độ kiềm trong nước và lượng phèn xanh sử dụng được tính như sau: Lượng phèn xanh sử dụng (mg/L) = độ kiềm trong nước (mg/L)/100