Cá chình được coi là loài thủy sản có giá trị nhất, đây cũng là loại cá được người tiêu dùng ưa chuộng nhất hiện nay. Chúng có khả năng sinh trưởng nhanh, phát triển mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế rất cao,… Cũng chính vì vậy mà mô hình nuôi cá chình cũng dần phổ biến ở các tỉnh miền Tây. Việc nuôi cá chình cũng gặp không ít khó khăn vì có khá nhiều loại bệnh xuất hiện ở loài cá này và khi bệnh thì chúng thường bỏ ăn. Nguyên nhân chính khiến chúng bị bệnh là do yếu tố môi trường và chất lượng tuyển chọn giống kém dẫn đến thiệt hại lớn cho người nuôi. Trong bài viết sau đây, luichis.com sẽ tổng hợp một số căn bệnh thường gặp cũng như cách phòng ngừa bệnh cho loài cá này, cùng tìm hiểu nhé!
Mục Lục
Căn bệnh trùng mỏ neo ở cá chình
- Tác nhân gây bệnh: Do trùng có tên là Lernaea gây ra. Trùng này có dạng giống mỏ neo, cơ thể có chiều dài 8 – 16mm. Nó giống như cái que, đầu có mấu giống mỏ neo cắm sâu vào cơ thể cá.
- Triệu chứng: Cá nhiễm bệnh giảm ăn, trùng thường ký sinh ở da, mang, vây,… Xung quanh các chỗ bám viêm và xuất huyết là điều kiện tốt cho các mầm bệnh khác xâm nhập và phát triển.
- Phòng bệnh: Thả nuôi mật độ vừa phải, tránh để ao bị ô nhiễm. Khi lấy nước vào ao nuôi phải qua túi lọc để hạn chế các loại ký sinh trùng như trùng mỏ neo, rận cá,… xâm nhập vào ao nuôi. Khi lấy nước vào ao để khoảng 7 – 10 ngày để các loại trứng ký sinh nở thì tiến hành diệt tạp bằng hoá chất như đồng sunphat (CuSO4), liều lượng 0,5g/1m3.
- Trị bệnh: Dùng lá xoan (lá sầu đâu) với liều lượng 0,6 kg lá/kg cá bó thành từng bó để dưới đáy hoặc dùng Hadaclean A trộn vào thức ăn liều lượng theo khuyến cáo của nhà sản xuất, dùng liên tục 5 – 7 ngày.
Căn bệnh nhiễm khuẩn do Acromonas
- Dấu hiệu bệnh: Cá con mẫn cảm với bệnh hơn cá lớn, tỷ lệ cá chết do bệnh có thể đến 80%. Cá bị sẫm màu từng vùng, xuất hiện từng mảng đỏ trên cơ thể, hoại tử phần vây, mắt lồi mờ đục và sưng phù, xoang bụng chứa dịch, nội tạng bị hoại tử.
- Phòng bệnh: Tránh nhiễm ký sinh trùng (nhóm nguyên sinh động vật), làm xây xát cá, nước bị nhiễm bẩn, mật độ nuôi quá dày, hàm lượng ôxy hòa tan trong nước thấp.
- Trị bệnh: Dùng dung dịch thuốc tím (KMnO4) liều lượng 1 – 2kg/1.000m3 nước.
Căn bệnh nhiễm khuẩn do Pseudomonas
- Nguyên nhân: Do thả mật độ quá cao, dinh dưỡng kém, hàm lượng ôxy hòa tan thấp, ao quá giàu chất dinh dưỡng.
- Dấu hiệu bệnh lý: Xuất huyết tạo thành những đốm nhỏ trên da. Đồng thời, bề mặt cơ thể và phần bụng có thể chảy máu. Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể phá hủy mô và các nội quan. Tỷ lệ cá chết do bệnh này có thể lên đến 70 – 80%.
- Phòng trị: Giảm mật độ nuôi bằng cách san thưa cá ra. Ngoài ra, cần cung cấp nguồn nước sạch cho ao nuôi cá. Hãy tắm cho cá bằng dung dịch thuốc tím (KMnO4) với liều lượng 3 – 5g/m3 nước. Hãy tắm cho đến khi cá có dấu hiệu sốc thì bắt cá ra.
Căn bệnh nấm thủy mi ở cá chình
- Triệu chứng: Khi nấm mới phát triển mắt thường khó phân biệt. Phần cuối sợi nấm đâm sâu vào thịt cá, phần đầu sợi nấm lơ lững trong nước. Khi bệnh phát triển nhiều trên thân cá xuất hiện những đám bông màu trắng. Cá có cảm giác ngứa ngáy, thân cá gầy đen sẫm. Nấm càng phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập làm bệnh nặng thêm.
- Phòng bệnh: Giữ môi trường nước luôn trong sạch, cho cá ăn đầy đủ. Ngoài ra, bạn không nên nuôi với mật độ dày hoặc làm cá bị xây xát.
- Trị bệnh: Dùng thuốc tím (KMnO4) tạt xuống ao liều 5g/m3 nước. Đồng thời kết hợp trộn kháng sinh Vime-Clean liều lượng 5g/kg thức ăn. Hãy cho cá ăn liên tục 5 – 7 ngày.