Chăn nuôi gia cầm là một trong những mô hình nông nghiệp chính đem lại lợi nhuận lớn ở nước ta. Tuy nhiên gia cầm cũng tiềm tàng những căn bệnh nguy hiểm cho cả người lẫn vật nuôi. Đại dịch cúm gia cầm đến nay vẫn là mối lo lớn nhất cho mô hình chăn nuôi. Vậy cúm gia cầm là gì? Nguy hiểm như thế nào? Cần làm gì để xử lý ổ dịch cúm gia cầm? Bà con hãy cùng chúng tôi tìm hiểu ngay cúm gia cầm trong bài viết dưới đây.
Mục Lục
Cúm gia cầm là gì? Có nguy hiểm không?
Cúm gà hay cúm gia cầm là một loại bệnh cúm do virus gây ra cho các loài gia cầm (hay chim), và có thể xâm nhiễm một số loài động vật có vú. Virus này được phát hiện lần đầu tiên là tại Ý vào đầu thập niên 1900 và giờ đây phát hiện ở hầu hết các nơi trên thế giới. Virus cúm gà có tên khoa học là avian influenza (AI) thuộc nhóm virus cúm A của họ Orthomyxociridae.
Đây là những retrovirus, mang vật liệu di truyền là những đoạn phân tử RNA, sợi đối mã (sợi âm tính). Biến chủng H5N1 của virus cúm gà bắt đầu hoành hành từ năm 1997 và có nguy cơ bùng phát thành đại dịch cúm đối với con người trong tương lai. Hiện giờ, không một quốc gia nào khẳng định có đầy đủ phương tiện và kỹ thuật để ngăn ngừa, chống lại đại dịch cúm này nếu điều đó xảy ra.
Cúm gia cầm là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có khả năng lây nhiễm và gây tử vong cho người.
Những nguyên tắc cơ bản khi xử lý ổ dịch cúm gia cầm
Xử lý gia cầm mắc bệnh
Thực hiện tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm khi phát hiện mắc bệnh, chết và có dấu hiệu mắc bệnh; Ðàn gia cầm nuôi thả rông xung quanh chưa được tiêm phòng vaccine cúm và đã tiếp xúc với đàn gia cầm mắc bệnh hoặc tiếp xúc với đàn gia cầm có dấu hiệu mắc bệnh.
Ðốt: Ðào hố, đốt dưới hố với củi, rơm rạ hoặc dầu, sau đó lấp đất lại hoặc đốt bằng lò đốt chuyên dụng.
Chôn: Ðào hố sâu, rộng tùy thuộc vào số lượng gia cầm nhiều hay ít, lớp đất trên yêu cầu tối thiểu cách mặt đất 1 m, đáy và thành hố được lót bằng nilon chống thấm, số gia cầm chôn phải đựng trong bao, bên trong có hóa chất khử trùng.
Việc chôn, đốt phải bảo đảm không ô nhiễm môi trường. Hố chôn gia cầm phải bảo đảm các yếu tố: Xa nguồn nước, xa khu dân cư, xa đường giao thông và xa bãi chăn thả gia súc, gia cầm.
Tiêm phòng khẩn cấp
Khi có ổ dịch cúm gia cầm xảy ra, tổ chức tiêm phòng cho toàn bộ đàn gia cầm khỏe mạnh tại các nơi xảy ra dịch. Ðồng thời tổ chức tiêm phòng bao vây ổ dịch theo hướng từ ngoài vào trong đối với gia cầm tại các nơi chưa có dịch trong cùng xã và các xã tiếp giáp xung quanh xã có ổ dịch.
Kiểm dịch, kiểm soát gia cầm và sản phẩm gia cầm
Nghiêm cấm việc giết mổ, sử dụng, đưa vào, mang ra hoặc lưu thông trong vùng có dịch các loại gia cầm là động vật mẫn cảm với dịch cúm gia cầm và sản phẩm gia cầm.
Giám sát dịch bệnh
Thường xuyên thực hiện giám sát tại địa phương có ổ dịch cúm gia cầm và các xã tiếp giáp với xã có ổ dịch; Giám sát đàn gia cầm trong vùng có ổ dịch cũ, địa bàn có nguy cơ cao. Ngành thú y tổ chức lấy mẫu đối với gia cầm nghi mắc bệnh; hoặc chết bất thường không rõ nguyên nhân trong phạm vi vùng bị dịch uy hiếp; hoặc vùng giám sát đi xét nghiệm.
Tổ chức vệ sinh, tiêu độc khử trùng
Toàn bộ phân, chất thải, thức ăn thừa; chất độn chuồng của gia cầm bệnh và vật rẻ tiền phải được thu gom đốt; hủy ngay trên nền chuồng, sau đó đem chôn sâu dưới đất. Phát quang thu dọn chất phế thải, rác ở xung quanh khu vực chuồng nuôi, đốt hủy rác, chất phế thải…
Chuồng và khu vực xung quanh chuồng nuôi; phải được phun thuốc sát trùng lên toàn bộ bề mặt nền chuồng; tường, vách, trần, máng ăn, máng uống; mỗi ngày 1 lần trong 3 ngày liền. Sau đó cách 2 – 3 ngày lại phun 1 lần cho đến khi tình hình dịch chấm dứt.
Tại địa phương có dịch, đình chỉ việc mua bán; giết mổ; vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm. Vệ sinh tẩy uế và phun thuốc sát trùng môi trường 1 lần/ngày; thực hiện liên tục trong 3 ngày liền, sau đó cứ 2 ngày 1 lần.
Ðối với địa phương tiếp giáp với xã có ổ dịch cúm gia cầm; định kỳ tổ chức vệ sinh; khử trùng; tiêu độc tại khu vực chăn nuôi; chợ; điểm buôn bán; giết mổ gia cầm và các sản phẩm của gia cầm.