Vào mùa mưa, độ ẩm không khí tăng cao, chuồng trại thường xuyên bị ngập úng,… đây chính là môi trường thuận lợi cho vịt phát triển các bệnh về nấm. Bệnh nấm phổi là bệnh do nấm Aspergillus flavus lây qua đường hô hấp gây ra, bệnh thường xuất hiện trên vịt con và làm chết hàng loạt (tỷ lệ chết có thể đến 50%) nên ảnh hưởng rất lớn đến năng suất chăn nuôi. Bệnh thường nặng ở vịt dưới hai tuần tuổi, nhưng thỉnh thoảng lại xuất hiện ở vịt lớn và gây chết lẻ tẻ. Do triệu chứng khó thở ở vịt nên người chăn nuôi dễ nhầm với các bệnh đường hô hấp khác và nó đã khiến cho việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn. Cùng luichis.com tìm hiểu chi tiết hơn căn bệnh này cũng như cách phòng bệnh nhé!
Mục Lục
Nguyên nhân gây ra bệnh nấm phổi ở vịt
Bệnh nấm phổi trên vịt do nấm Aspergillus gây ra. Loại nấm này có rất nhiều loài, trong số đó thì Aspergillus fumigatus là phổ biến nhất. Bào tử của nấm Aspergillus được tìm thấy trong không khí, nước, đất, cây cỏ mục nát, phân, chất lót chuồng, thức ăn có nguồn gốc động vật, thực vật. Đặc biệt trong thóc, lúa, bắp, đậu, rơm rạ,… Tuy thấy khô nhưng có thể chứa rất nhiều bào tử nấm. Nấm phát triển tốt ở nhiệt độ 24 – 28 độ C. Chúng sản sinh ra độc tố aflatoxin gây tổn thương gan có thể dẫn đến ung thư ngay khi với hàm lượng rất thấp. Độc tố có thể ở dạng gây kích thích nhẹ trên da đến phá hủy nặng nề các tế bào cơ thể (tế bào thần kinh, tế bào máu) gây co giật, liệt, cuối cùng là chết.
Cơ chế phát sinh bệnh
Qua không khí, các bào tử nấm có thể xâm nhập vào phổi và túi khí của vịt qua bụi hít từ mũi, khí quản. Bệnh sẽ nặng hơn khi con vật đang ở trạng thái sức đề kháng bị giảm. Bệnh có thể truyền ngay từ trong máy ấp: có thể từ trứng nhiễm nấm hoặc máy ấp không đảm bảo điều kiện vệ sinh. Bệnh có thể lan truyền từ chất độn chuồng có nhiễm nấm hoặc từ thức ăn cũ có nấm.
Sau khi vào cơ thể vịt, nấm có thể kí sinh ở khí quản, phổi gây tác động tại chỗ, gây viêm phổi cấp tính hay tạo thành các nốt nấm trong nhu mô phổi. Dần về sau bào tử nấm phát triển thành nhiều sợi nấm, thúc đẩy quá trình viêm nhanh hơn. Dưới phản ứng viêm của cơ thể, bào tử, sợi nấm bị phá hủy và giải phóng nhiều độc tố theo đường dịch thể gây nhiễm độc cho vật chủ.
Các triệu chứng điển hình của bệnh
Đối với vịt con: Thường ở thể quá cấp tính và cấp tính với triệu chứng như:
- Kém ăn
- Thở thó
- Mũi chảy nước
- Tiêu chảy.
Đối với vịt lớn: Thường biểu hiện ở thể mãn tính với triệu chứng như:
- Cơ thể suy yếu dần
- Triệu chứng thở khó
- Giảm ăn
- Khát nước.
Bệnh tích khi mổ khám
Phổi có những hạt giống như gạo cứng, bên ngoài có bao lớp dịch viêm màu hơi vàng. Ngoài ra nấm có thể phát triển ở các phần khác của cơ thể như: hốc mũi, các cơ quan nội tạng (gan, trung thất), trên cơ,… tạo nên những mảng bựa có bào tử như bụi mịn bên trên. Phổi bị nhiễm nấm phần cơ nhiễm nấm với các mảng có bào tử mịn như bụi.
Cách phòng ngừa bệnh nấm phổi cho vịt
- Tránh sử dụng thức ăn bị ẩm mốc, chăn thả trên đồng quá cũ (lúa, rơm rạ bị nhiễm nấm).
- Chuồng trại giữ khô ráo, thông thoáng, thường xuyên thay chất độn chuồng.
- Định kỳ thực hiện tiêu độc sát trùng chuồng trại trung bình 02 lần/tuần.
- Dùng Nistatin – 56 phòng bệnh với liều 01kg/tấn thức ăn.
Điều trị bệnh nấm phổi cho vịt
- Xử lý nguồn lây truyền bệnh là thức ăn hoặc chất độn chuồng có nhiễm nấm như: cắt thức ăn nghi ngờ bị nhiễm nấm, thay bằng thức ăn mới, thay chất độn chuồng.
- Tạo môi trường không thuận lợi cho sự phát triển của nấm: dùng NaHCO3 nghiền mịn pha nước cho vịt uống liều 01 viên/ 3 – 5kg thể trọng.
- Dùng Iodine pha hàm lượng 1 – 2% độ cho vịt uống.
- Dùng thuốc kháng nấm: Nystatin cho vịt uống, liều điều trị 03 ngày liên tục.
- Tiệu độc sát trùng chuồng trại: Iodine pha 15ml với 4 lít nước phun xịt chuồng trại.
- Tăng cường tiêu hóa, nâng sức đề kháng, giải độc cho vịt bằng cách dùng các chế phẩm sau: Gluco, Vitamin C
- Bổ sung thêm vitamin A vào khẩu phần thức ăn.
- Dung dịch CuSO4 1/2000 hoặc các thuốc kháng nấm như Nystatin, Mycostatin, Tricomycin,… cho uống.